PHILADELPHIA (MỸ) – THÀNH PHỐ CỦA TÌNH ANH EM
Philadelphia được mênh danh là “Thành phố của tình anh em”, tất cả các cảnh sắc và con người nơi đây xứng đáng là nơi để lưu giữ những tình cảm đẹp của những khách du lịch Mỹ đam mê khám phá, muốn tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của thế giới.
Tiếp sau người Thụy Điển và người Hà Lan, người Anh đến đây từ những năm 1663. Từ năm 1681, thay mặt nước Anh cai quản thuộc địa này, William Penn đã xây dựng được mối quan hệ hữu hảo với người bản địa Delaware và ông đặt tên cho thành phố là Philadelphia – theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thành phố của tình anh em”.
Với diện tích khoảng 350 km2, Philadelphia là thành phố đầu tiên ở Mỹ được thiết kế theo hình kẻ ô với những con đường lớn chạy song song. Người thiết kế William Penn đã cho dựng bốn quảng trường công viên gồm: Washington, Rittenhouse, Franklin, Logan xung quanh quảng trường trung tâm chính của thành phố.
Tại công viên Ben Franklin Parkway (công viên Logan trước kia), quảng trường Logan là một vòng đài nước. Tâm điểm của vòng đài nước này là vòi phun rất tuyệt gọi là vòi Thiên Nga. Vào thời điểm nóng nực nhất trong năm, đài nước này biến thành một hồ bơi.
Còn tại quảng trường trung tâm, tòa thị chính thành phố Philadelphia là tòa nhà thị chính lớn nhất nước Mỹ và là tòa nhà không có khung sắt cao nhất thế giới. Tòa thị chính nguy nga được xây theo kiến trúc Phục hưng của Pháp, nổi tiếng bởi bức tượng William Penn cao 2m80 đặt ngay tại nút giao thông. Ngoài ra, còn có nhiều tòa nhà nổi tiếng ở Philadelphia được phục hồi trong thời kỳ đầu lịch sử Mỹ bao gồm cả Liberty Bell Pavillion, Congress Hall, Carpenters và Independence Hall.
Ngày nay, Philadelphia còn nổi tiếng ở một phương diện khác. Đó là sự bảo tồn các kiến trúc cổ xưa hòa nhập với các kiến trúc hiện đại, vì vậy một tòa nhà từ thế kỷ 18 được phục hồi có thể nằm hài hòa bên cạnh những tòa nhà kính và kim loại hiện đại.
Với dân số 1,4 triệu người (năm 2008), Philadelphia là thành phố đông dân thứ 6 của nước Mỹ. Nền kinh tế của Philadelphia ngày nay chủ yếu dựa vào công nghiệp lọc dầu, công nghệ sinh học, dịch vụ tài chính, y tế và du lịch. Từng được coi là thủ đô của Hoa Kỳ, đến nay, tại Philadelphia vẫn còn sự hiện diện của nhiều cơ quan trọng yếu như Ngân hàng dự trữ liên bang chi nhánh Philadelphia, trường đại học Luật nổi tiếng Pensylvania, trường đại học Y và bệnh viện đại học Pensylvania – bệnh viện đầu tiên của nước Mỹ, được Benjamin Franklin thành lập từ năm 1751. Những xí nghiệp chính sản xuất máy bay của hãng Boeing cũng được đặt tại thành phố này.
Với tổng thu nhập GDP vào năm 2005 đạt 312 tỷ USD, Philadelphia là thành phố đứng thứ tư trong các trung tâm kinh tế lớn nhất của Hoa Kỳ. Ngày nay, trên quảng trường mang tên Độc Lập của thành phố, người ta còn giữ lại một di tích quan trọng: đó là Hội trường Độc Lập. Nơi đây, vào ngày 4/7/1776, đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội để thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập và dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Tác giả chính của những văn kiện này chính là Thomas Jefferson.
Cũng tại quảng trường Độc lập, người ta còn lưu giữ trang trọng một hiện vật lịch sử vô giá khác của Hoa Kỳ: chiếc chuông Tự do. Được làm từ 900kg đồng và thiếc, chiếc chuông này được đúc tại London vào năm 1752 và đem về sử dụng tại dinh thự của bang Pensylvania. Tuy nhiên, chiếc chuông đã bị nứt ngay trong lần đánh thử đầu tiên vào tháng 3/1753. Cùng năm này, người ta đã phải hai lần cho thêm đồng để đúc lại chuông. Vào ngày 8/7/1776, chuông Tự do đã được ngân lên để tập hợp dân chúng Philadelphia đến nghe bản Tuyên ngôn Độc lập. Năm 1852, chuông Tự do được trưng bày như một hiện vật lịch sử. Kể từ khi được đem ra trưng bày cho đến nay, đã có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đến Philadelphia để chiêm ngưỡng chuông Tự do – biểu tượng cho khát vọng giải phóng của loài người – như: Thomas Edison (năm 1915), Martin Luther King (năm 1959), Nelson Mandela (năm 1995)…
Đứng trên quảng trường Độc lập ở Philadelphia, nhìn những cỗ xe ngựa lộng lẫy gõ nhịp trên đường phố, du khách có thể dễ dàng hình dung quá khứ đầy tự hào của nước Mỹ từ thời lập quốc.
Thái An
TIN MỚI NHẤT
vietmyadmin
QUẢNG TRƯỜNG NATHAN PHILIPS
vietmyadmin