NGHĨ VỀ Ý THỨC TỰ GIÁC CỦA NGƯỜI MỸ

Trong bất kỳ tour du lịch Mỹ nào thì trước khi khởi hành hầu hết du khách nào cũng tìm những thông tin liên quan đến văn hóa người Mỹ. Một trong những đặc trưng của người Mỹ là ý thức tự giác. Đối với ý thức tự giác cao của người mỹ, đã nghe nhiều người nói về ý thức tự giác của người dân đất nước này. Nghe là một chuyện, còn nghĩ lại là chuyện khác, làm gì có người dân lại ý thức tự giác cao như thế?

Sang đây chứng kiến thì thấy ý thức tự giác của người Mỹ buộc phải công nhận. Chỗ đông người không ồn ào, bình tĩnh nhẫn nại xếp hàng mua vé tham quan, đi trên đường không một tiếng còi xe, ăn xong tự động dọn dẹp bàn ghế, thức ăn thừa…

suy-nghi-ve-y-thuc-tu-giac-cua-nguoi-my

Làm sao họ có ý thức tự giác như thế? “Nhớ đọc ở đâu đó có một câu, trong mỗi con người đều tồn tại hai đức tính, xấu và tốt. Muốn hạn chế đức tính xấu phải có môi trường giáo dục tốt, một xã hội lành mạnh, một luật pháp nghiêm minh”. Ở đây phải hiểu khái niệm “giáo dục” là cả nhà trường và xã hội. Còn luật pháp phải được thực thi nghiêm túc từ người dân đến tổng thống, không có sự miễn trừ.

Ra đường ở Mỹ, thấy ô tô đi mà ngợp, con đường từ Houston về đến Lake Charles và chiều ngược lại là tám làn xe, xe giăng như mắc cửi, tốc độ lớn, nhưng làn đường nào, tốc độ xe nấy, không có sự chen ngang, lấn làn. Muốn chuyển làn phải hết sức cẩn thận, bật đèn xi nhan, quan sát, trước sau. Trăm xe như một, ngàn xe như một và tất cả xe đang dịch chuyển trên đường đều làm như thế, rất tự giác, không nghe thấy một tiếng còi.

Con gái giải thích việc này. Một phần, đường sá ở Mỹ chất lượng quá tốt, phân làn rõ ràng làn xe nào, ra làn xe nấy. Phần nữa, cảnh sát giao thông ở đây trực hai tư giờ trên hai tư giờ, bất cứ một sự vi phạm nhỏ nào đều bị phát hiện phạt rất nặng. Lớn hơn tất cả, con gái cho biết, học lái xe ở Mỹ, học luật là phần đặc biệt quan trọng, quan trọng hơn cả phần học lái xe. Chỉ là chuyện nhỏ của chiếc xe ô tô, rút ra được bao nhiêu bài học. Muốn tạo nên ý thức tự giác của con người với cộng đồng, xã hội, không đơn giản chỉ những khẩu hiệu như thể sống, học tập, làm việc theo một tấm gương nào đó!!! Mà chắc chắn sẽ không bao giờ học thành công được vì mỗi người có mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mỗi nhận thức… khác nhau. Nhưng ý thức tự giác lại có thể học tập được là bởi, nó được hình thành từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, cộng đồng… Nhà trường tiếp nối gia đình, xã hội tiếp nối nhà trường, cái này bồi đắp cái kia…

suy-nghi-ve-y-thuc-tu-giac-cua-nguoi-my

Nhà trường Mỹ dạy ý thức tự giác cho các em không cần đến môn chính trị, lại càng không cần tổ chức thi tìm hiểu lịch sử đoàn, đội… của một chính đảng nào đó để nâng cao tinh thần yêu nước. Các em được học ý thức công dân ,với gia đình phải thế nào? Với xã hội phải thế nào? Thậm chí việc nhỏ, ngay cả với những người tàn tật như thế nào? Đến một bãi đỗ xe lớn, con gái chỉ cho thấy khu vực ưu tiên cho người tàn tật, nói, không ai được để xe khu vực này, cho dù các chỗ xe khác không còn chỗ trống. Khi từ nhỏ con người đã có ý thức tự giác như giúp đỡ người khốn khó, biết tằn tiện tiết kiệm khi chi tiêu, thì lớn lên những việc lớn như giúp đỡ, cứu trợ người bị nạn, bị thiên tai, chiến tranh… và lớn hơn nữa biết bảo vệ tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, những việc đó sẽ trở thành một việc làm tự nhiên như hơi thở hàng ngày của một người yêu nước.

Ý thức tự giác của người Mỹ không phải chỉ hành thành trong môi trường giáo dục, mà cả trong hiến pháp, pháp luật. Quyền của người dân phải được tôn trọng, nhỏ như quyền riêng tư cá nhân, lớn như việc bầu cử, tất tần tật phải là sự tôn trọng, tôn trọng thực sự chứ không phải chỉ là những văn bản, nghị quyết không hơn những khẩu hiệu bao nhiêu!!! Chính phủ sai, người dân có quyền góp ý, lớn hơn, có quyền phế truất. Chính đảng nào có cương lĩnh đúng, hợp lòng dân, người dân có quyền bầu lên, người dân được thực sự có tiếng nói của họ thông qua những cơ quan như báo chí, đài, ti vi … do chính họ tạo lập, thực thi theo luật pháp, có sự khen chê rõ ràng, minh bạch, công khai… Như vậy ý thức tự giác của người dân ngày càng hoàn thiện. Khi ý thức tự giác của người dân càng hoàn thiện thì nhà nước đó cũng càng hoàn thiện, luật pháp càng hoàn thiện.

Một xã hội nếu không xây dựng được cho người dân thức tự giác, xã hội đó sẽ tự hủy diệt. Ý thức tự giác lại càng không phải là sự áp đặt, giáo điều, luôn khẳng định mình đúng, buộc người khác phải tuân theo. Ý thức tự giác xây dựng như thế nào để thấy rằng nó luôn luôn tồn tại một cách khách quan, không làm như thế sẽ là sai, là không hợp với quy luật, không được tồn tại trong một xã hội văn minh.

Nói vậy, thực hiện không dễ. Ở một đất nước lúc nào cũng nghị quyết rao giảng, lúc nào cũng cờ phướn giăng khắp nơi, khẩu hiệu dán tứ tung chỗ nào nói về ý thức con người… nhưng trên thực tế lại ngược lại, quyền ưu tiên cho ông “to” không cần phải xếp hàng, có lỗi lại chạy chọt, xin xỏ, chơi luật “rừng” nếu như không chạy được án, chỗ nào cũng tiền để đút lót… thì làm sao xây dựng được ý thức tự giác cho người dân. Ở Mỹ có chuyện này không? Người viết bài này tin rằng có, nhưng có rất ít, hoặc giảm thiểu đến mức độ không làm băng hoại đạo đức, xây dựng được ý thức tự giác của người dân. Một lần đọc báo, thấy tổng thống Mỹ vào nhà hàng phải xếp hàng, cũng rút ví trả món ăn vừa mua, nói với thằng bạn, lão ấy đóng kịch. Thằng bạn lắc đầu, bình tĩnh, đừng vội kết luận, làm đến chức ấy cần gì phải đóng kịch. Sang Mỹ hỏi một người bạn, người đó trả lời, chuyện ấy bình thường anh ơi, tổng thống cũng như người dân thôi mà. Mỗi người đều có công việc do xã hội phân công, tổng thống cũng có thể có quyền ưu tiên, nhưng suy nghĩ kỹ một chút, ông ta vẫn là một công dân bình thường, không có việc gì bận, thích thư dãn thì nên…xếp hàng với dân. Hiểu dân, gần dân, dân sẽ hoan nghênh. Nhưng quan trọng hơn, hình ảnh đó, sẽ nâng cao ý thức tự giác của người dân, từ việc nhỏ đến việc lớn.

suy-nghi-ve-y-thuc-tu-giac-cua-nguoi-my

Sang Mỹ thấy rất rõ điều đó. Tự giác trong lời ăn tiếng nói, không nói to nơi tham quan, mua sắm… Đến khu vực tham quan hang động tự nhiên Natural Bridge Caverns (Texas) và khu bảo tồn động vật hoang dã ở đây, người người xếp hàng, không chen lấn, không tiếng nói nhỏ, to. Ô tô xếp hàng dài, đi từ từ, không vượt ngang, không bấm còi trong những con đường dài tít tắp của khu bảo tồn mà xem tận nơi ở của muôn thú hiền lành như hươu, nai, hươu cao cổ… rồi trực tiếp cho chúng ăn.

Vào trong hang động tự nhiên của khu vực này cũng vậy, một hang động đẹp gần giống với động Phong Nha của Việt Nam, người đi tham quan rất đông, nhưng không có sự chen ngang, cũng không có chuyện xả rác, xếp ngay hàng thẳng lối, rất trật tự nghe người hướng dẫn viên giới thiệu. Chuyện này không dám so sánh với những lễ hội như chùa Hương, đền bà Chúa Kho… của Việt Nam.

suy-nghi-ve-y-thuc-tu-giac-cua-nguoi-my

Ý thức tự giác của người Mỹ còn thể hiện trong việc mua sắm, mua đồ xong, ra máy quẹt thẻ, tự thanh toán. Ở những cây xăng cũng vậy, người lái xe, tự bơm xăng, cũng tự quẹt thẻ thanh toán. Vào bãi đỗ xe, hoàn toàn tự động, tự tìm chỗ đỗ, tự thanh toán… Thắc mắc với con gái, không lẽ chuyện dễ dàng như thế, không thể làm điều khuất tất sao ? Không được ba ơi! – Con gái giải thích – Camera họ để khắp nơi, mọi việc không đúng đều ghi nhận được, phạt rất nặng, hơn nữa, chỉ tự mình làm mọi việc mới nhanh được, xã hội công nghiệp mà. Nhưng điều này mới quan trọng ba ạ! Ở Mỹ làm những điều khuất tất, gian xảo tự lương tâm người đó thấy cắn rứt, cộng đồng biết sẽ rất khinh, đặc biệt con cháu họ sẽ lên án, cho dù đó là người thân ruột thịt…

Dù xã hội Mỹ vẫn còn nhiều điều phải bàn, nhưng quan sát những việc làm của người dân nhất là ý thức tự giác, chúng ta hiểu vì sao nước Mỹ hùng mạnh, hùng mạnh thực sự vì trước hết nước Mỹ có người dân rất tự giác thực thi pháp luật.

Thái An

Dẫn theo Trần Kỳ Trung