Câu chuyện kẹt xe ở Mỹ
Sẽ là thiếu sót lớn nếu bàn về xe hơi ở nước Mỹ mà không nhắc đến chuyện… kẹt xe! Và nói đến chuyện tiểu bang California kẹt xe mà không nhắc đến thành phố Los Angeles, thì coi như chưa biết California kẹt xe như thế nào!
Trên trang mạng của INRIX – một tổ chức chuyên phân tích về vấn để giao đông hàng đầu trên thế giới – vừa công bố một nghiên cứu mang tên INRIX Global Traffic Scorecard trong năm 2016. Nghiên cứu này xếp hạng Los Angeles là thành phố dẫn đầu trên cả thế giới về nạn kẹt xe. INRIX đã làm một cuộc nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay, xem xét các điểm kẹt xe tại 1,064 thành phố thuộc 38 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. “Thành Phố Của Thiên Thần” Los Angeles đã dẫn đầu về chỉ số trung bình “Số Giờ Bị Kẹt Xe Trong Giờ Cao Điểm” là 104 giờ trong một năm.
Trong danh sách 10 thành phố kẹt xe nhất thế giới của INRIX trong năm 2016, có đến 5 thành phố của Mỹ: Los Angeles (số 1), New York (số 3), San Francisco (số 4), Atlanta (số 8) và Miami (số 10). Còn nếu điểm danh sách của 25 thành phố kẹt xe toàn cầu, thì nước Mỹ góp mặt đến 11 thành phố! Thiệt là những kỷ lục không vui vẻ chút nào!
“Số Giờ Bị Kẹt Xe Trong Giờ Cao Điểm” của thành phố New York là 89 giờ, của San Francisco là 83 giờ. Con số này tính trung bình cho toàn nước Mỹ là 42 giờ. Nếu tính trên bình diện quốc gia, thì Mỹ có chỉ số kẹt xe này cao thứ 4 trên thế giới. Những nước có “hân hạnh” đứng trên Mỹ là Thái Lan, Colombia, Indonesia. Nga có cùng chỉ số 42 giờ với Mỹ. Cũng khá ngạc nhiên, khi có đến 2 quốc gia Đông Nam Á láng giềng của Việt Nam trong top 5 này.
Đây cũng là lần đầu tiên, INRIX tính toán thử chi phí trực tiếp và gián tiếp gây ra bởi nạn kẹt xe đối với người lái xe ở Mỹ. Chi phí trực tiếp bao gồm tiền xăng và thời gian lãng phí. Chi phí gián tiếp bao gồm phí vận chuyển, chi phí mà các công ty phải trả cho những chiếc xe phải lãng phí thì giờ trên xa lộ bằng cách nâng giá thành cao hơn cho giá sản phẩm và dịch vụ của mình. Và con số thiệt hại công bố cao đến mức… chóng mặt: trong năm 2016, cả nước Mỹ thiệt hại khoảng $300 tỷ cho nạn kẹt xe, tính ra bình quân cho một người Mỹ là vào $1,400/ năm. Số tiền này nếu tính riêng cho thành phố Los Angeles sẽ là $9.7 tỷ, còn cho thành phố New York là $16.9 tỷ!
Những “điểm nóng” kẹt xe trên xa lộ Mỹ cũng được chỉ ra trong báo cáo này của INRIX. Thành phố New York có hai “điểm nóng” trên xa lộ đứng hàng thứ 1 và thứ 3, đều nằm trên xa lộ I 95, theo cả hai hướng Đông Và Tây. Thành phố Los Angeles có một điểm nóng đứng hàng thứ 5, đó là xa lộ I 10 về hướng Đông, đoạn giữa xa lộ 405 và xa lộ 110. Thật là ngạc nhiên, khi “điểm nóng” cách đây vài năm là xa lộ 405, đoạn từ xa lộ 22 đến xa lộ 605 (rất quen thuộc với bà con dân Việt mình ở khu Little Saigon Quận Cam) nay đã ra khỏi “danh sách đỏ” này. Có lẽ là nhờ hệ thống cầu vượt để nối các đường carpool từ 22 sang 405, sang 605 đã đi vào hoạt động một cách hiệu quả.
Một chuyên gia kinh tế của INRIX đã phân tích như sau: “… sự ổn định của nền kinh tế Mỹ, sự tiếp tục mở rộng đô thị ở các thành phố lớn, và những yếu tố khác như tỉ lệ thất nghiệp giảm, giá xăng rẻ đã khiến cho nạn kẹt xe tăng trong năm 2016. Nạn kẹt xe đã ngốn hàng trăm tỷ đô la của nền kinh tế nước Mỹ, đe dọa sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai, và làm giảm chất lượng sống của cư dân. Nạn kẹt xe là một con dao hai lưỡi. Trong khi nhu cầu đi lại tiếp tục tăng, nhưng sự phát triển của phương tiện đường sắt vẫn còn quá chậm…”
Đóng góp trong danh sách “top 10” những thành phố kẹt xe nhất thế giới, ngoài năm thành phố kể trên của Mỹ, còn có 5 thành phố của 5 quốc gia khác. Thành phố Mạc Tư Khoa (Moscow) của Nga đứng hàng thứ 2; thành phố Bogota của Colombia đứng hàng thứ 5, thành phố Sao Paolo của Brazil đứng hàng thứ 6; thành phố Luân Đôn của Anh đứng hàng thứ 7; kinh đô ánh sáng Paris của Pháp đứng hàng thứ 9. Cũng khá ngạc nhiên khi thủ đô Bắc Kinh của Trung Cộng không nằm trong danh sách này. Và thủ đô Bangkok của Thái Lan nay đã thoát khỏi danh sách “top 10” về kẹt xe, trong năm 2016 chỉ xếp hàng thứ 11.
Chuyện kẹt tốn tiền tỉ như vậy, mà chẳng lẽ nào một quốc gia văn minh, kỹ thuật tiên tiến số một thế giới như Mỹ đành chịu thua? Hãy lấy thành phố kẹt xe nhất thế giới là Los Angeles làm ví dụ. Trên trang mạng của tờ LA Times vào ngày 23 Tháng Hai, 2017, đã đưa ra ý kiến của chuyên gia Edwards Humes với 4 điểm làm giảm nạn kẹt xe mà ít phải đầu tư tốn kém như sau:
1-Bỏ thuế xăng và thay thế bằng “phí kẹt xe” (congestion price): thâu tiền phí người sử dụng xa lộ trong những giờ cao điểm với phí thật cao, nhưng phí giảm hẳn trong những giờ không bị kẹt. Theo chuyên gia này, phân nửa những người di chuyển trên xa lộ vào giờ cao điểm không phải là để đi làm, và họ có thể đi vào giờ khác. Và việc áp dụng “phí kẹt xe” này không đòi hỏi phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém, chỉ cần trạm thu phí và hệ thống thanh toán là đủ. Thành phố Luân Đôn của Anh đã áp dụng phương án này, và kết quả rất tốt: giảm 30% nạn kẹt xe, giảm 14% thời gian di chuyển, và giảm 9% lượng khí thải carbon.
2-Hãy quên chuyện “9 to 5” (làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều) đi! Bằng các chương trình tự nguyện, hay với sự khuyến khích bằng thuế, hãy khuyên nhân viên đi làm chệch giờ bắt đầu và kết thúc công việc tại sở. Hãy để khoảng 10% nhân viên làm việc tại nhà 1 ngày hay nửa ngày trong tuần. Phương án này sẽ làm giảm chuyện kẹt xe tốt hơn là xây thêm làn xe cho xa lộ Los Anegles.
3-Chuyển đổi làn xe car pool, vì đây là một ứng dụng thất bại. Chỉ có dưới 9% dân đi làm sử dụng carpool, con số này ít hơn phân nửa so với 35 năm trước. Hãy sử dụng nó để dành cho những xe vận tải lớn chở hàng hóa thiết yếu, sẽ làm giảm mức kẹt xe hơn. Sử dụng làn đường riêng cho xe bus tốc hành cũng là một phương án rẻ hơn so với chuyện xây thêm đường xe lửa.
4-Đi bộ đi học: Thành phố Los Angeles tính toán thấy rằng hơn phân nửa việc đi lại trong thành phố có khoảng cách dưới 3 mile, một khoảng cách có thể đi bộ hoặc đi xe đạp khá dễ dàng. Hiện nay, 84% dân Los Angeles vẫn thực hiện những chuyến đi ngắn này bằng xe hơi, kể cả chuyện đưa đón con đi học. Trong năm 1969, khoảng gần phân nửa học sinh Mỹ đi học bằng xe đạp hay đi bộ. 40 năm sau, tức là vào năm 2009, con số này giảm xuống 13%. Hãy khuyến khích học sinh đi bộ hay đi xe đạp đến trường. Vừa giảm nạn kẹt xe, vừa có lợi cho sức khỏe.
Nói thì dễ, nhưng thực hiện cũng khó. Căn bệnh “nghiện xe hơi vì tiện nghi” của dân Mỹ xem ra còn rất trầm kha. Cho nên chuyện kẹt xe ở nước Mỹ vẫn là chuyện dài ngàn lẻ một đêm… Và bạn, hãy thử một lần đặt tour du lịch Mỹ để tìm hiểu thêm giao thông tại đất nước phát triển nhất thế giới này!
Thái An ghi