Một ngày ở Mỹ để học hỏi

Theo tôi, với những câu hỏi khó trả lời như câu “Bạn có biết gì về chuyện kinh doanh của người Mỹ?” thì nên dành cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế hoặc những người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở thị trường Mỹ… trả lời.

Tuy nhiên, ở nước Mỹ trong chuỗi ngày dài của Chương trình giao lưu truyền thống và văn hóa do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức cho khách tham quan quốc tế, tôi đã thấy gì? Tất nhiên thấy ở đây dẫu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng đã để lại trong tôi vài suy nghĩ về lĩnh vực kinh doanh của đất nước này.

Thói quen xếp hàng và ngăn nắp

Một nét đặc trưng của nước Mỹ là thói quen xếp hàng. Dù chỉ có hai người cũng phải xếp hàng thứ tự trước sau, không chen lấn. Sau khi thưởng thức thỏa thuê những màn biểu diễn đặc sắc của voi, hải mã… ở Sea World, chúng tôi đi ăn trưa tại một khu nhà rộng lớn, thoáng mát, dù đông đúc nhưng mọi người chỉ trò chuyện vừa đủ nghe, không náo nhiệt, ồn ào như thường thấy trong các nhà hàng ở châu Á. Trong lúc ăn, tôi quan sát thấy, sau khi ăn tất cả thực khách đều tự giác dọn bàn sạch sẽ. Tất tần tật những gì thừa thãi được đặc vào cái khay nhựa và bỏ vào thùng rác ngay trong phòng ăn. Lúc họ đứng lên là người khác có thể ngồi vào ngay.

thoi-quen-xep-hang

Hình ảnh tốt đẹp này cũng được thấy ở nhiều nhà hàng khác. Trong nhà hàng Newseum – một bảo tàng lớn nhất thế giới hiện nay về thông tin và báo chí – dù chính thức khai trương ngày 11/4/2008, nhưng trước đó chúng tôi đã được tham quan. Khi dọn dẹp bàn ăn rồi đặt vào vị trí qui định thì sẽ có một hệ thống dây chuyền tự động đưa ngay ra sau bếp. Vì thế, khi thực khách đứng dậy, bước ra là nhà hàng trở lại sạch sẽ như ban đầu. Tương tự, ở những khu vui chơi công cộng, điều đã làm tôi “kinh ngạc” không thể lý giải nổi là không hề thấy… một cọng rác! Chính vì môi trường sạch sẽ như thế nên một người bừa bãi, cẩu thả như tôi cũng phải tìm đúng nơi để vứt rác.

Kỷ cương và tự giác

Quái quỷ không kém là ngay tại nhiều sân bay nội địa Mỹ, muốn lấy xe đẩy hành lý thì phải cho vào hệ thống tự động vài USD. Nhưng sau đó, muốn lấy lại khoản tiền này thì phải trả xe vào đúng vị trí cũ. Việc làm này giúp sân bay trở lại ngăn nắp như trước lúc đón khách. Rồi tại nhiều nhà hàng Mỹ, sau khi xếp hàng mua ly cà phê tôi hấp tấp đưa lên miệng uống. Đắng nghét. Vì người ta không cho thêm gì cả. Muốn gì thì “thượng đế” hãy tự phục vụ! Đường, sữa, muỗng… ngay đấy! Ngọt, nhạt thế nào thì tùy!

Nhưng rắc rối nhất vẫn là chuyện hút thuốc lá. Trong nhiều khách sạn ở Mỹ, chẳng hạn khách sạn Helix (Washington DC) người ta cho biết nếu hút thuốc lá trong phòng, bị phát hiện sẽ bị phạt 250 USD. Có thể, số tiền này với nhiều người chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng tại sao không ai dám vi phạm? Theo tôi đó là “áp lực” về tâm lý. Khi tất cả mọi người không dám nhả khói nơi công cộng, thế mà mình làm khác đi thì lập tức mọi người nhìn mình như “người ngoài hành tinh”! Một người bạn tôi ở Sacramento, lúc còn ở Việt Nam cũng là “tay chơi” có hạng. Nhưng… Sáng hôm ấy, anh mời tôi ly cà phê, đưa thêm điếu thuốc là và bảo… ra sau nhà mà nhả khói. Sao không là ở trước nhà ngắm cảnh cho sướng con mắt? Anh bảo: “Những gia đình xung quanh sẽ nhìn mình không mấy thiện cảm”. Thế đó, sự tự giác đôi khi còn bị ràng buộc bởi quan hệ cộng đồng. Một cái nhìn của người chung quanh – dù không nói ra, nhưng có tác dụng hơn một lời nói…

Nhìn khái quát thử hỏi, sự tự giác của người dân đã giúp gì cho giới kinh doanh Mỹ? Thưa, “nói trắng ra” là họ không phải mất thêm một khoản tiền trả cho nhân viên phục vụ. Bởi “thượng đế” đã tự giác làm rồi!

Muốn người dân tự giác, ngoài việc được giáo dục thì họ còn phải bị ràng buộc bằng những hệ thống pháp lý. Chẳng hạn, khi đi trên những con đường cao tốc phải đóng lệ phí. Ngồi trong xe nhìn ra bên ngoài, phía tay trái của tài xế, tôi thấy có gắn một cái phễu lớn, không thấy nhân viên thu tiền. Cứ ngồi yên trong xe, chỉ cần ném tiền xu vào đó là xong. Nhưng nếu không tự giác, lúc phóng xe qua sẽ có hệ thống tự động chụp bảng số xe và lập tức gửi ngay “giấy báo nợ” về tận nhà. Nếu chậm đóng thì lãi suất sẽ tăng thêm. Rắc rối! Chẳng ai dại gì vì vài xu mà phải đối mặt với bao nhiêu lôi thôi, hệ lụy khác. Hoặc vào cây xăng, phải tự đổ xăng sau khi đã đưa card tín dụng vào khe trên trụ bơm xăng! Những sự ràng buộc này còn áp dụng cho nhiều lãnh vực khác. Với các khoản tiền phải đóng hàng tháng cũng vậy, ta có thể trả trên Internet, khỏi phải đến tận nơi xếp hàng, tốn thời gian. Chậm trả thì người ta tính thêm tiền lãi, vì thế không ai dám chậm trễ.

Pháp luật và sự ràng buộc

Có bao giờ bạn được một “tài phiệt” ở Mỹ tặng cho căn nhà trị giá vài triệu USD ở vịnh Fort Lauderdale nhưng bạn lại… không dám nhận, dù đang thất nghiệp, đang cù bơ cù bất. Đơn giản chỉ vì bạn sẽ không đủ tiền để… đóng thuế đất hàng năm, thậm chí không đủ tiền để tu bổ, sửa chữa cảnh quan hòng “sánh” với các nhà chung quanh. Có bao giờ được xem những cô gái xinh như mộng, không một mảnh vải che thân đang múa may, quay cuồng ngay trước mặt mà bạn phải ngồi khoanh tay nghiêm chỉnh và chỉ uống… nước ngọt? Có bao giờ bước vào quán rượu mà bạn phải chứng minh là trên 21 tuổi, đã thế, trên tay còn bị đóng một cái dấu xanh lè – chứng nhận bạn đủ “trình độ” để làm bạn với Lưu Linh? Quy định chung là thế, nhưng các doanh nghiệp có dám “phá rào” để thu hút khách không? Có bao giờ bạn phóng xe vượt đèn đỏ, hơi thở nồng nặc mùi rượu, bị cảnh sát phát hiện nhưng bạn vẫn về nhà bình an vô sự? Có bao giờ bạn vào quán ăn ở Mỹ, rồi khi ra về bạn “quên” tiền “trà nước” cho nhân viên phục vụ mà mọi người chung quanh tán thành hành động của bạn? Những chuyện này tôi cam đoan là khó có thể xảy ra ở Mỹ.

Dài dòng như thế để thấy rằng, sự tự giác và ràng buộc của hệ thống luật pháp củng là một trong những yếu tố thuận lợi của giới kinh doanh Mỹ. Ai đời, người dân phải tự giác… đóng thuế! Khi vào khách sạn Nokko San Francisco, tôi ở phòng giá 142 USD nhưng buộc phải trả thêm 19,97 USD tiền thuế. Ở khách sạn The Quaterage, giá phòng là 94 USD nhưng phải trả thêm 16,52 USD tiền thuế và người ta tính thẳng vào hóa đơn. Tất tần tật đều phải đóng thuế. Nghe đâu, trốn thuế nếu bị Nhà nước phát hiện thì chỉ có “sập tiệm”. Tất nhiên xã hội nào củng thế, nhưng ở Mỹ người ta ý thức điều đó một cách tự giác. Điều này, nhìn rộng ra đã hỗ trợ nhiều cho giới kinh doanh Mỹ khi họ thực hiện chính sách “bán trả góp”. Bạn được mua trước mọi thứ, từ cây kim đến sợi chỉ, từ chiếc xe hơi “hoành tráng” đến căn nhà to “vật vã”. Tất nhiên, số tiền cho bạn mượn được căn cứ vào lý lịch bản thân, vào thu nhập hàng tháng… “Liệu cơm gắp mắm” là thế, với một lao động bình thường, có công ăn việc làm ổn định ở Mỹ thì họ có quyền hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất như bất cứ ai.

Năm 2005 khi đến Amsterdam (Hà Lan), trong một lần đi mua sắm, tôi và nhà báo Ngọc Thịnh tình cờ bước vào cửa hành “Nieuwendijk 148, 1012 MS Amsterdam”, gặp chủ nhân trước sống ở Chợ Lớn, sang đây lập nghiệp hơn 25 năm, tôi hỏi về chuyện thuế. Họ cho biết, cửa hàng nay bề ngang chỉ 3,5 mét, sâu gần 20 mét nhưng phải thuê với giá… 6.000 EUR! Dù sống ở Hà Lan phải đóng thuế nhiều, nhưng anh chị Minh – chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm này – không phàn nàn vì nghĩ rằng, khi về già, không lao động được nữa, Nhà nước sẽ trợ cấp cũng bằng chính đồng tiền mà mình đã đóng thuế. Tôi quả quyết điều nay cũng là tâm lý chung của người dân Mỹ, kể cả Việt kiều. Tôi nghĩ, tạo được tâm lý đó cho người dân là điều không dễ.

Trong những ngày ở Mỹ, tôi nhận ra thuế đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đa dạng của các tổ chức văn hóa. Tôi còn nghiệm ra rằng, một trong những điểm then chốt có liên quan trực tiếp đến sự thịnh vượng của giới kinh doanh Mỹ chính là hiện nay họ đã có ý thức khai thác các “thương hiệu” văn hóa đã hình thành. Dựa vào văn hóa để kinh doanh là một vấn đề mới mẻ, cũng xin được trở lại vào dịp khác.

Các tour du lịch Mỹ đang được mở bán tại Vietmytourist, du khách đăng ký sớm để hưởng mức giá ưu đãi nhất:

TOUR 1: BỜ TÂY NƯỚC MỸ: Los Angeles – Las Vegas – Hoover Dam – Hollywood – Universal (7N) [Giá: 34.9 triệu]

TOUR 2: BỜ ĐÔNG NƯỚC MỸ: New York – Philadelphia – Washington DC (7N) [Giá: 49.9 triệu]

TOUR 3: LIÊN TUYẾN ĐÔNG TÂY HOA KỲ: New York – Philadelphia – Washington DC – Los Angeles – Las Vgas – Hoover Dam – Hollywood – Universal (10N) [Giá: 66.9 triệu]

===================================================
VIETMYTOURIST JSC – CHUYÊN TOUR MỸ & CANADA
===================================================
HEAD OFFICE
A: 27 Nguyen Thai Binh, 1 Dist, Ho Chi Minh City, Vietnam.
T: (84-8) 3511 8951 |  F: (84-8) 3511 8950

Branch office: 
A: 4th floor, 59 Xa Dan Street, Dong Da District, Ha Noi City, Viet Nam.
T: (84-4) 3566 6941   |  F: (84-4) 3566 6942
OFFICE IN USA
A: 6891 Kerrywood Cir Centreville,VA 20121
T: +1 (‎571) 364 5409  |  F: +1 (703)-266-2347

Nguồn: Sưu tầm